Doanh nghiệp nhỏ và vừa bỏ lỡ nhiều lợi ích từ các cam kết FTA


Tại cuộc họp tham vấn về “Đánh giá chính sách, pháp luật hiện hành Việt Nam với các cam kết về doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các FTA mà Việt Nam tham gia”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trở thành chủ thể ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

CHÍNH SÁCH ĐÃ TƯƠNG THÍCH VỚI FTA

Mặc dù vậy, trong so sánh với các nhóm doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam gặp nhiều thách thức hơn trong quá trình hội nhập, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA.

Tính tới cuối năm 2021, Việt Nam đã ký kết và triển khai thực thi tổng cộng 15 FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP).

Trong các FTA thế hệ mới này, lần đầu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành một vấn đề được đưa vào văn kiện cam kết, trong một chương riêng về doanh nghiệp nhỏ và vừa và các cam kết đặc thù cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các chương cụ thể.

Việc thực thi hiệu quả các cam kết về doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các FTA này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có được môi trường kinh doanh phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa khai thác các cam kết FTA, qua đó tận dụng tốt hơn các cơ hội và chuẩn bị hiệu quả hơn trước các thách thức từ các FTA.

Đặc biệt, bà Trang nhấn mạnh, nghĩa vụ thực hiện các cam kết liên quan tới doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các FTA là của Nhà nước. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng được hưởng lợi.

Nghiên cứu “Rà soát chính sách, pháp luật Việt Nam với các cam kết về doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các FTA của Việt Nam” của VCCI cho thấy pháp luật, chính sách Việt Nam liên quan tới doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện cơ bản đã tương thích đầy đủ với các cam kết về doanh nghiệp nhỏ và vừa của 4 hiệp định FTA (CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP) trong cả 11 lĩnh vực (vấn đề trợ cấp, hỗ trợ; mua sắm công; doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp độc quyền chỉ định; hải quan và tạo thuận lợi thương mại; thương mại điện tử; sở hữu trí tuệ; lao động; pháp luật; phòng, chống tham nhũng…) có cam kết riêng về cho nhóm chủ thể kinh doanh này.

Trong phần lớn các trường hợp, Việt Nam đã tận dụng khá tốt các bảo lưu về các biện pháp dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các cam kết FTA (đặc biệt là trong các khía cạnh về trợ cấp, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ưu tiên trong lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm công, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực).

Việt Nam cũng bảo đảm triển khai trên thực tế các cam kết về bảo đảm hệ thống pháp luật có thể dự đoán trước và thủ tục hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, về các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện minh bạch, phòng chống tham nhũng, về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua các rào cản để sử dụng thương mại điện tử, hay về việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng hiệu quả các FTA.

NHIỀU CHÍNH SÁCH CẦN ĐƯỢC BỔ SUNG

Tuy nhiên, theo bà Trang, rà soát cho thấy cơ bản pháp luật Việt Nam đã có nhưng trong một số lĩnh vực, hoặc là Việt Nam chưa tận dụng hết quyền được phép để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (ví dụ các biện pháp trợ cấp được phép), hoặc là chưa bảo đảm tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu cam kết (các tiêu chí minh bạch trong ưu đãi gói thầu mua sắm công, tiêu chí kim ngạch tối thiểu trong xác định doanh nghiệp ưu tiên…) nên hiệu quả trên thực tế chưa cao.

Ngoài ra, rà soát cũng chỉ rõ, Việt Nam đã tận dụng được quy định ưu tiên như trong mua sắm công, giao dịch với doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng dường như chúng ta chưa tận dụng hết những quyền ưu tiên, bảo lưu mà chúng ta có.

Ví dụ trong mua sắm công, quyền ưu tiên là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng thực tế các quy định về đấu thầu của chúng ta mới chỉ ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tức phạm vi còn tương đối hạn chế. Hay đối với những gói thầu ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì không mở cho các đối tác FTA dù có cam kết mở… nên không hiện thực được trên thực tế.

Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Hà, Giảng viên Đại học Ngoại thương cho biết trong vấn đề trợ cấp, hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, kết quả rà soát cho thấy Việt Nam đã xây dựng một hệ thống chính sách, pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với các biện pháp ưu đãi, trợ cấp, hỗ trợ ở các khía cạnh khác nhau cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhưng ở một vài khía cạnh, Việt Nam còn chưa tận dụng hết các ngoại lệ được phép. Ví dụ các hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp thị còn giới hạn, chưa sử dụng quyền hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của nhà đầu tư nội địa Việt Nam…

“Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu để tiếp tục bổ sung các chính sách, quy định pháp luật về các biện pháp hỗ trợ, trợ cấp cần thiết cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhất là trong bối cảnh khôi phục sản xuất giai đoạn bình thường mới hậu Covid-19 cần tìm kiếm các hỗ trợ mới, hiệu quả và thực chất hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Hà đề xuất.

Hay trong vấn đề hải quan và tạo thuận lợi thương mại, bà Hoàng Ngọc Oanh, Chuyên gia tư vấn Dự án USAID LinkSME, cho rằng ngoại trừ CPTPP, ba FTA còn lại đều có các cam kết về doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào khía cạnh: cam kết chung về đơn giản hóa thủ tục hải quan, đảm bảo thủ tục hiệu quả, giảm chi phí, tăng tính dự báo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Pháp luật Việt Nam hiện hành dường như chưa hoàn toàn phù hợp với cam kết RCEP khi đặt ra tiêu chí kim ngạch để xác định doanh nghiệp ưu tiên cao hơn rất nhiều ngưỡng doanh thu tối đa xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dù Hiệp định RCEP chỉ yêu cầu các nước thành viên thể hiện nỗ lực “ở mức có thể” ở khía cạnh này, nhưng việc đặt ra tiêu chí cao hơn đó dường như chưa cho thấy rõ nỗ lực này của Việt Nam. Vì vậy, khi RCEP có hiệu lực, cần tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh để hạ thấp tiêu chí về kim ngạch này, để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đáp ứng được (ví dụ điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 72/2015/TT- BTC).

Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, theo bà Oanh, mặc dù đều có chương về thương mại điện tử, nhưng chỉ có CPTPP và RCEP là có cam kết về doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này, nhấn mạnh vào yếu tố hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua các rào cản để tham gia thương mại điện tử.

Rà soát pháp luật và chính sách hiện hành của Việt Nam cho thấy Việt Nam đã hình thành khung khổ pháp lý cơ bản về thương mại điện tử và đang hoàn thiện khung khổ này, đặc biệt ở các khía cạnh rất có ý nghĩa với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là thương mại điện tử thông qua mạng xã hội.

Việt Nam cũng có các quy định pháp luật và các chương trình với các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khắc phục các tồn tại, tham gia hiệu quả vào thương mại điện tử.

Tuy vậy, chưa có tổng kết nào về các kết quả cụ thể từ các chương trình hỗ trợ này. Ở góc độ quốc tế, đã có những chương trình hợp tác đối với các đối tác, nhưng các hoạt động có liên quan mới chỉ dừng lại ở đối thoại chính sách là chủ yếu. Do đó, cần thiết phải có các giải pháp quyết liệt hơn để thúc đẩy việc triển khai hiệu quả, thực chất Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thương mại điện tử (Quyết định 645/QĐ-TTg), đặc biệt trong bối cảnh hội nhập các FTA và khôi phục sản xuất hậu Covid-19.

Song trên hết, bà Oanh cho rằng, để được hưởng lợi từ các cam kết này, doanh nghiệp cần nắm được các thông tin mà mình được hưởng lợi là gì, cũng như chính sách của Nhà nước đã áp dụng đến đâu.

Facebook Comments Box

Related Posts